Thể lệ đăng bài

Hội Thần kinh học Việt Nam

Tạp chí Thần kinh học Việt Nam

Địa chỉ: Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai

78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội

Email: Journal@vnna.org.vn/tapchitkhvn@gmail.com

THỂ LỆ, QUY ĐỊNH CÁCH THỨC TRÌNH BÀY BÀI BÁO

TRÊN TẠP CHÍ THẦN KINH HỌC VIỆT NAM

(Áp dụng từ tháng 1/2024)

Tạp chí Thần kinh học Việt Nam (tên tiếng Anh: Vietnamese Journal of Neurology), giấy phép xuất bản số: 290/GP-BTTTT ngày 15/8/2023; mã ISSN: 2354-0931, là ấn phẩm khoa học chính thức của Hội Thần kinh học Việt Nam, xuất bản định kỳ mỗi 3 tháng một lần và có 1 số xuất bản bằng tiếng Anh hằng năm.

Tạp chí Thần kinh học Việt Nam sẽ xét đăng những bài viết phù hợp về các vấn đề liên quan đến Thần kinh học cũng như các chuyên ngành liên quan. Mục đích của Tạp chí là nhằm mang đến độc giả những nghiên cứu quan trọng, những bài viết sâu sắc, những trường hợp lâm sàng và những quan điểm mới liên quan đến thực hành thần kinh học.

Tác giả của các bài viết gửi tới Tạp chí Thần kinh học Việt Nam phải nêu rõ các nguồn tài trợ cho nghiên cứu (nếu có). Ban biên tập phải được biết về các tổ chức khác có thể có tranh chấp về bản quyền (như quyền đồng sở hữu, tư vấn...).

Các bài viết sẽ được hai hay nhiều biên tập viên đánh giá. Bài viết được chấp nhận trên cơ sở nội dung, tính sáng tạo và tính giá trị. Nếu được chấp nhận đăng, biên tập viên có thể chỉnh sửa để làm cho bài báo rõ ràng và dễ hiểu hơn mà không làm thay đổi ý nghĩa của bài báo.

Tạp chí sẽ bao gồm các chuyên mục dưới đây:

Bài báo nghiên cứu, Bài ca lâm sàng, Bài báo tổng quan, Bài báo chuyên đề.

I.  QUY TRÌNH XUẤT BẢN VÀ XÉT DUYỆT

1. Quy trình xuất bản tại Tạp chí Thần kinh học Việt Nam (Vietnamese Journal of Neurology) bao gồm các bước sau:

1.1. Nhận bài

Nhận bản thảo bài báo thông qua: 

Tác giả có thể nộp bản thảo qua phần mềm trực tuyến của tạp chí (https://vjn.vnna.org.vn/) hoặc gửi về mail Journal@vnna.org.vn.

1.2. Sàng lọc

  • Thư ký biên tập sẽ sàng lọc các bài nhằm đảm bảo các quy định của tạp chí về phạm vi, chủ đề, định dạng/cấu trúc, và đạo đức nghiên cứu (trong vòng 1 tuần)
  • Thông báo về tình trạng của bài báo:
    • Bài báo không được chấp nhận
    • Bài báo cần chỉnh sửa trước khi gửi phản biện
    • Bài báo sẽ được gửi đi phản biện

1.3. Phản biện

  • Tổng biên tập hoặc Phó tổng biên tập được Tổng biên tập phân công sẽ xác định các chuyên gia phù hợp tham gia phản biện cho mỗi bài báo
  • Thư ký gửi thư tới các chuyên gia mời phản biện bản thảo bài báo.
  • Thư ký gửi bản thảo bài báo và biểu mẫu nhận xét bản thảo bài báo cho các chuyên gia đồng ý phản biện
  • Mỗi bản thảo bài báo được gửi cho 02 chuyên gia phản biện độc lập (sau khi đã xóa thông tin về tác giả). Nội dung của bản thảo bài báo được giữ bí mật, các phản biện không chia sẻ các thông tin về bản thảo bài báo với bất cứ ai mà không có sự cho phép trước của Tổng biên tập.
  • Chuyên gia phản biện sẽ gửi lại cho Tạp chí (Tổng biên tập hoặc Phó tổng biên tập được Tổng biên tập phân công và thư ký) bản nhận xét trong vòng 2 tuần sau khi tiếp nhận.
  • Khuyến nghị các chuyên gia phản biện sử dụng các công cụ chuẩn được các nhà khoa học trên thế giới sử dụng, bao gồm:
    • Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng: CONSORT
    • Nghiên cứu quan sát: STROBE
    • Nghiên cứu tổng quan hệ thống hoặc phân tích gộp: PRISMA
    • Báo cáo ca bệnh hoặc chùm ca bệnh: CARE
    • Các loại thiết kế khác: Tham khảo tại https://www.equator-network.org/
  • Chuyên gia phản biện đánh giá bài báo theo một số khía cạnh sau (không chỉ hạn chế các khía cạnh này):
    • Chủ đề nghiên cứu có quan trọng, có tính mới và được sự quan tâm của cộng đồng không?
    • Mục tiêu nghiên cứu được xác định rõ ràng không?
    • Phương pháp nghiên cứu đảm bảo tính khoa học (đảm bảo tính giá trị và độ tin cậy) và phù hợp để đạt được mục tiêu nghiên cứu không?
    • Kết quả nghiên cứu được trình bày rõ ràng không?
    • Kết quả nghiên cứu được giải thích và bàn luận hợp lý dựa trên các kiến thức hiện có không?
    • Các hạn chế và giả định được trình bày rõ ràng không?
    • Kết luận, khuyến nghị có hợp lý và được dựa trên kết quả nghiên cứu không?
    • Tính ứng dụng của các kết quả nghiên cứu?
    • Các nhận xét cụ thể khác
    • Kết luận về bản thảo theo 1 trong các tình huống: 1) Đồng ý cho đăng, không cần chỉnh sửa; 2) Đồng ý cho đăng, cần chỉnh sửa, không cần phản biện lại; 3) Đồng ý cho đăng, cần chỉnh sửa, phản biện lại; 4) Không đồng ý cho đăng.

1.4. Xử lý kết quả phản biện

  • Bài báo được hai phản biện đồng ý
    • Thư ký thông báo với tác giả về ý kiến của phản biện (ẩn danh).
    • Tác giả chỉnh sửa bản thảo bài báo dựa trên góp ý của 2 phản biện và gửi lại bản thảo đã chỉnh sửa và ý kiến phản hồi ý kiến phản biện cho thư ký trong vòng 2 tuần
    • Trong trường hợp tác giả chưa đồng thuận với ý kiến của phản biện thì thư ký báo cáo Tổng biên tập quyết định.
  • Bài báo được một phản biện đồng ý, một phản biện không đồng ý
    • Thư ký thông báo đến tác giả về ý kiến của 2 phản biện và gửi bài báo đến phản biện thứ 3 (đảm bảo việc ẩn danh).
    • Nếu bài báo được phản biện thứ 3 đồng ý đăng thì tiến hành quy trình như bài báo được hai phản biện đồng ý.
    • Trong trường hợp có các ý kiến khác nhau của các phản biện thì thư ký báo cáo Tổng biên tập quyết định.
  • Bài báo có 2 phản biện không đồng ý
    • Thư ký thông báo kết quả phản biện cho tác giả và bài báo không được xem xét xuất bản.

1.5. Kiểm tra đạo văn:

Các bản thảo sau khi được các phản biện đồng ý sẽ được tiến hành kiểm tra đạo văn bằng các phần mềm kiểm tra đạo văn (Sử dụng phần mềm iThenticate). Các bản thảo có mức tương đồng cao hơn mức cho phép >20% hoặc có đoạn văn giống từ 100 từ trở lên sẽ từ chối tiếp tục quy trình xuất bản. Ngoài ra, các tác giả của bài báo sẽ bị cấm tiếp tục gửi bài cho Tạp chí trong các số tiếp theo.

1.6. Biên tập kỹ thuật

  • Bài báo đã được các phản biện đồng ý và tác giả hoàn thành việc chỉnh sửa được biên tập kỹ thuật và xếp số. Việc xếp số thực hiện theo nguyên tắc: Theo trình tự thời gian bài báo được nhận đăng; Theo các nhóm chủ đề, nội dung, loại bài báo.
  • Thư ký biên tập tập hợp bài/ảnh chuyển cho bộ phận thiết kế/người dàn trang.
  • Người thiết kế/người dàn trang sẽ gửi bản bông cho thư ký biên tập rà soát, chỉnh sửa.
  • Thư ký biên tập trình Tổng Biên tập hoặc Phó tổng biên tập được phân công duyệt bản cuối.

1.7. In ấn và phát hành

  • Bản duyệt cuối (Tổng Biên tập hoặc Phó tổng biên tập được phân công duyệt) sẽ được chuyển cho nhà in.
  • Mỗi số Tạp chí in 100 cuốn, mỗi cuốn khoảng 75-120 trang.
  • Tạp chí được phát hành định kỳ 01 số/1,5 tháng (08 số/năm trong đó có 6 số tiếng Việt, 2 số tiếng Anh).

Ghi chú: Tác giả có thể liên hệ với Tạp chí để xin xác nhận tình trạng của bài báo.

2. Quy trình phản biện

2.1. Quy tắc chung:

Tổng biên tập của thành viên Hội đồng biên tập phụ trách công tác phản biện của mỗi bài. Thư ký theo đó gửi bản thảo tới các phản biện trên hệ thống phản biện trực tuyến. Mỗi bản thảo bài báo được gửi cho 02 phản biện độc lập (sau khi đã xóa thông tin về tác giả).

Nội dung của bản thảo được giữ bí mật, các phản biện không thảo luận với bất kỳ ai mà không có sự cho phép trước của Tổng biên tập. Phản biện sẽ gửi lại bản thảo nhận xét ẩn danh sau khi tiếp nhận theo quy trình phản biện.

Các phản biện độc lập sẽ đánh giá theo mẫu gồm các vấn đề chính sau: (Phụ lục 3. Mẫu phản biện bài báo).

  • Tầm quan trọng của câu hỏi nghiên cứu;
  • Tính độc đáo của nội dung nghiên cứu;
  • Điểm mạnh và điểm yếu của thiết kế nghiên cứu, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu;
  • Cách viết, tổ chức và trình bày các dữ liệu trong bài báo;
  • Mức độ ảnh hưởng của các phát hiện được rút ra và đã được chứng minh.

Đối với mỗi thiết kế nghiên cứu và loại bài gửi, các phản biện sử dụng kèm một công cụ nâng cao chất lượng theo chuẩn quốc tế như sau:

  • Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng: CONSORT
  • Nghiên cứu quan sát: STROBE
  • Nghiên cứu tổng quan hệ thống hoặc phân tích gộp: PRISMA
  • Báo cáo ca bệnh hoặc trùm ca bệnh: CARE
  • Các loại thiết kế khác: Tham khảo tại https://www.equator-network.org/

2.2. Quy trình phản biện kín, 2 chiều:

  • Bài báo được hai phản biện đồng ý
    • Thư ký thông báo với tác giả về ý kiến của phản biện (ẩn danh).
    • Tác giả chỉnh sửa bản thảo bài báo dựa trên góp ý của 2 phản biện và gửi lại bản thảo đã chỉnh sửa và ý kiến phản hồi ý kiến phản biện cho thư ký trong vòng 2 tuần
    • Trong trường hợp tác giả chưa đồng thuận với ý kiến của phản biện thì thư ký báo cáo Tổng biên tập quyết định.
  • Bài báo được một phản biện đồng ý, một phản biện không đồng ý
    • Thư ký thông báo đến tác giả về ý kiến của 2 phản biện và gửi bài báo đến phản biện thứ 3 (đảm bảo việc ẩn danh).
    • Nếu bài báo được phản biện thứ 3 đồng ý đăng thì tiến hành quy trình như bài báo được hai phản biện đồng ý.
    • Trong trường hợp có các ý kiến khác nhau của các phản biện thì thư ký báo cáo Tổng biên tập quyết định.
  • Bài báo có 2 phản biện không đồng ý
    • Thư ký thông báo kết quả phản biện cho tác giả và bài báo không được xem xét xuất bản.

II.  Yêu cầu chung

1. Yêu cầu đối với bản thảo và tác giả

Các công trình đăng trên Tạp chí Thần kinh học Việt Nam phải là bản thảo đăng nguyên vẹn lần đầu và chưa từng được đăng ở bất kỳ tạp chí hoặc cơ sở dữ liệu có thể tiếp cận công khai nào.

Thông tin về nhóm tác giả bài báo cần được trình bày trên 1 file riêng biệt (tách biệt hoàn toàn với bản thảo) và được gửi cùng bản thảo. Nếu bản thảo có nhiều tác giả tham gia thì phải xác định cụ thể tác giả chính, đồng tác giả và tác giả liên hệ theo quy định của Tạp chí. Tác giả đứng tên đầu và tác giả liên hệ được mặc định là tác giả chính. Nếu tác giả liên hệ không là tác giả đứng đầu thì được đặt cuối cùng, đứng trước là chữ “và” và được ký hiệu bằng hình . Mỗi tác giả được đứng tên đầu tối đa 02 (hai) công trình trong một số báo. Tác giả chịu trách nhiệm trước công luận và những quy định liên quan của Việt Nam về các nội dung của bản thảo. Tác giả cần nộp kèm bản cam kết có chữ ký của tác giả chính (Theo mẫu “Bản cam kết của tác giả”)

2. Định dạng tệp bản thảo bài báo

Bản thảo được soạn bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh sử dụng phần mềm Microsoft Word (đuôi file là .doc hoặc .docx), đúng ngữ pháp, không có lỗi chính tả. Định dạng trang A4 Times New Roman, cỡ chữ là 12 (hệ font Unicode), khoảng cách dòng 1,5, cách lề Normal. Mỗi bài không quá 4000 từ không bao gồm bảng, hình minh họa và tài liệu tham khảo. Bản thảo phải đánh số trang rõ ràng, số trang căn giữa, ở lề dưới trang.

Các thuật ngữ tiếng Việt thống nhất theo từ điển Bách khoa Việt Nam. Danh từ tiếng Việt nếu được dịch từ tiếng nước ngoài phải được viết kèm theo từ nguyên gốc. Hạn chế sử dụng các chữ viết tắt. Trong trường hợp không tránh khỏi phải viết tắt thì phải có phần chú thích cho lần sử dụng chữ viết tắt đầu tiên trong bài.

Các hình, bảng, biểu trình bày dưới định dạng khác (.jpg, .pdf, vv…) được gửi dưới dạng file gốc kèm theo phần chú thích hình.

Các bảng biểu, hình, chú thích hình được trình bày vào đúng vị trí trong nội dung của bản thảo và đánh số theo thứ tự xuất hiện trong bài.

3. Định dạng tài liệu tham khảo

Tài liệu tham khảo được trích dẫn theo số thứ tự xuất hiện trong nội dung bài, không theo tên tác giả và năm. Tài liệu trích dẫn đánh số và trình bày theo quy định AMA (có thể tham khảo ở: https://libguides.usc.edu/ld.php?content_id=49818556). Đối với tên tác giả Việt Nam cần ghi đầy đủ và nguyên tên họ.

III.  CÁC YÊU CẦU VỀ ĐẠO ĐỨC NGHIÊN CỨU ĐỐI VỚI BẢN THẢO

Bản thảo bài báo chỉ được chấp nhận khi được tác giả chịu trách nhiệm chính cam kết các nội dung sau:

  1. Các nội dung của bản thảo chưa được đăng tải toàn bộ hoặc một phần ở các tạp chí khác;
  2. Bản thảo chưa công bố ở một tạp chí khác;
  3. Tất cả các tác giả đều có đóng góp một cách đáng kể vào quá trình nghiên cứu hoặc chuẩn bị bản thảo và cùng chịu trách nhiệm về các nội dung của bản thảo;
  4. Tuân thủ các biện pháp đảm bảo đạo đức nghiên cứu (ví dụ thỏa thuận đồng ý tham gia nghiên cứu) và nghiên cứu đã được phê duyệt bởi Hội đồng đánh giá đạo đức nghiên cứu Y sinh học có uy tín.

Các tác giả cũng nêu rõ trong bản thảo (phần Lời cảm ơn) các cơ quan tài trợ nghiên cứu, vai trò của các công ty dược, công ty trang thiết bị y tế và các công ty khác trong hỗ trợ nghiên cứu cùng cam kết về các xung đột lợi ích có thể xảy ra liên quan đến nghiên cứu.

IV.  HƯỚNG DẪN CỤ THỂ ĐỐI VỚI NHÓM TÁC GIẢ BÀI BÁO ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ THẦN KINH HỌC VIỆT NAM

TÊN BÀI BÁO

(Tên bài báo ngắn gọn, tối đa 20 từ,viết bằng chữ in hoa nhưng thể hiện được nội dung chính của bài báo, tránh từ viết tắt và được thể hiện bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh)

Tên tác giả và cơ quan

Tác giả A1, Tác giả B2 và Tác giả C3

- Thứ tự tác giả: sắp xếp theo mức độ đóng góp từ nhiều đến ít, cách nhau bằng dấu phẩy. Tác giả đứng đầu tiên và tác giả liên hệ được mặc đính là tác giả chính.

1Cơ quan X, 2Cơ quan Y, 3Cơ quan Z. Trong trường hợp tất cả các tác giả cùng cơ quan thì không cần đánh số. Phần đơn vị được dịch sang Tiếng Việt và Tiếng Anh.

() Tác giả chịu trách nhiệm liên hệ. Nếu tác giả liên hệ không là tác giả đứng đầu thì được đặt cuối cùng. Phần ghi chú (): tác giả liên hệ, ghi rõ địa chỉ, email (phần này đặt ở chân trang đầu của bài báo) (Được dịch sang Tiếng Việt và Tiếng Anh).

V.  HƯỚNG DẪN/YÊU CẦU CỤ THỂ ĐỐI VỚI TỪNG LOẠI BÀI BÁO TRÊN TẠP CHÍ THẦN KINH HỌC VIỆT NAM

Tác giả có thể tải và tham khảo khảo định dạng chung bài bài (gắn link tải mẫu bài báo dạng cấu trúc)

1. BÀI BÁO NGHIÊN CỨU

Có độ dài không quá 4.000 từ (khoảng 10 trang chuẩn) kể cả bảng và hình (không quá 8 bảng và hình), tài liệu tham khảo và phần tóm tắt bằng tiếng Việt, tiếng Anh.

ĐỊNH DẠNG BÀI BÁO NGHIÊN CỨU:

TÊN BÀI BÁO

(Tên bài báo ngắn gọn, tối đa 20 từ nhưng thể hiện được nội dung chính của bài báo, tránh từ viết tắt và được thể hiện bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh, viết hoa và in đậm).

Tên tác giả cơ quan: Viết đủ tên (các) tác giả và email, cơ quan công tác, không ghi chức danh, học vị

Phần tóm tắt: viết tóm tắt có cấu trúc, bao gồm các phần như 1) Mục tiêu, 2) Thiết kế nghiên cứu; 3) Địa điểm và thời gian nghiên cứu, 4) Đối tượng nghiên cứu; 5) Kết quả, 6) Kết luận. cần thể hiện được các kết quả chính và kết luận của công trình. Tóm tắt được trình bày dưới dạng một đoạn văn không tách riêng từng mục và không quá 250 từ.

Từ khoá:, Từ 3- 6 từ hoặc cụm từ. sử dụng những từ (cụm từ) ngắn gọn, có ý nghĩa đại diện và liên quan trực tiếp đến nội dung chính của bài báo

Danh mục từ viết tắt (nếu có): giải thích trong danh mục và giải thích khi viết tắt lần đầu.

ABSTRACT (Chỉ áp dụng cho bài báo bằng tiếng Việt)

Tên bài báo tiếng Anh viết bằng chữ in hoa, được dịch từ nguyên bản tiếng Việt. Tóm tắt bằng tiếng Anh (không quá 200 từ) được dịch từ tóm tắt bằng tiếng Việt kể cả từ khoá.

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Giới thiệu được lý do tại sao tiến hành nghiên cứu trong mối liên quan với các nghiên cứu khác đã được làm trước đây ở trong và ngoài nước. Từ đó đưa ra các mục tiêu rõ ràng, phù hợp, khả thi.

  1. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Ngắn gọn song phải đủ thông tin để người đọc hiểu được quy trình nghiên cứu. Chỉ những quy trình mới, lần đầu thực hiện cần được mô tả chi tiết, trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo cho các quy trình nghiên cứu này. Phần này bao gồm 3 phần chính như sau:

  1. Đối tượng (nhóm đối tượng, tiêu chuẩn lựa chọn, tiêu chuẩn loại trừ).
  2. Phương pháp (bao gồm thiết kế nghiên cứu, cỡ mẫu và chọn mẫu, nội dung/chỉ số nghiên cứu, quy trình tiến hành nghiên cứu, phương pháp xử lý số liệu, thời gian và địa điểm nghiên cứu).
  3. Đạo đức nghiên cứu (nêu rõ các khía cạnh và cách thức đảm bảo đạo đức trong nghiên cứu. Nếu nghiên cứu đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học (IRB) phê duyệt, phải ghi rõ số và ngày của giấy chấp thuận đạo đức nghiên cứu).
  4. KẾT QUẢ

Hình và bảng biểu được trình bày trực tiếp trong phần này, bao gồm tiêu đề và phần chú thích ngắn gọn bên dưới. Các hình và bảng biểu đánh số liên tiếp bắt đầu từ số 1 theo thứ tự xuất hiện, trình bày rõ ràng với các phần nhận xét, chú thích ngắn gọn bên dưới. Không  trình bày những bảng biểu, biểu đồ quá đơn giản nếu có thể diễn tả bằng từ ngữ hoặc quá nhiều hàng và cột khó trình bày trong khuôn khổ kích cỡ trang của Tạp chí. Tổng số hình, bảng biểu tối thiểu là 3 và không quá 8 (đối với công trình nghiên cứu).

Phần kết quả được trình bày phù hợp với câu hỏi/mục tiêu đặt ra, có thể trình bày theo từng đề mục.

  1. BÀN LUẬN

Bàn luận theo kết quả và câu hỏi/mục tiêu đề ra, bàn luận bám sát theo các kết quả đã trình bày và sử dụng các tài liệu tham khảo có liên quan để so sánh, giải thích kết quả nghiên cứu. Bàn luận về hạn chế của nghiên cứu và hướng khắc phục. Trình bày theo đoạn văn, không chia đề mục. Chỉ bàn luận những lý giải liên quan đến kết quả thu được. Không nhắc lại tên bảng biểu và kết quả nghiên cứu.

  1. KẾT LUẬN

Viết ngắn gọn,, khái quát kết quả nghiên cứu chính đã đạt được. Không viết nhắc lại các số liệu đã trình bày ở phần kết quả. Không gạch đầu dòng hay đánh số kết luận

Lời cảm ơn (nếu có): Tác giả nêu rõ cơ quan tài trợ nghiên cứu (nếu có) và cam kết không xung đột lợi ích từ kết quả nghiên cứu. Phần này trình bày trước Tài liệu tham khảo và không cần đánh số.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tham khảo được trích dẫn theo số, không theo tên tác giả và năm. Mỗi bài báo có tối đa 10 tài liệu tham khảo, trừ bài tổng quan. Tài liệu được tập hợp và sắp xếp theo trình tự trích dẫn và phải được trích dẫn trong bài báo. Các tài liệu tham khảo phải giữ nguyên văn, không phiên âm, không dịch. Hạn chế dùng luận văn, luận án, sách giáo khoa và website làm tài liệu tham khảo.

Cách trích dẫn theo quy định AMA, sử dụng các phần mềm quản lý tài liệu tham khảo như Endnote, ZOTERO...

2. BÀI CA LÂM SÀNG

Có độ dài không quá 3.000 từ (khoảng 8 trang chuẩn) bao gồm các bảng, biểu đồ, hình ảnh minh hoạ và tài liệu tham khảo (không quá 6 bảng và hình). Chữ viết tắt cần được chú thích trong ngoặc đơn.

ĐỊNH DẠNG BÀI BÁO CA LÂM SÀNG:

TÊN BÀI BÁO

(Tên bài báo ngắn gọn, tối đa 20 từ nhưng thể hiện được nội dung chính của bài báo, tránh từ viết tắt và được thể hiện bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh. Đề cập đến triệu chứng/hội chứng, chẩn đoán, điều trị và có thêm câu “Báo cáo ca bệnh”)

Tên tác giả cơ quan: Những người tham gia chính trong bài báo cần được đưa vào danh sách các tác giả. Viết đầy đủ họ tên các tác giả theo cách viết tiếng Việt. Thứ tự của các tác giả cần phải được thoả thuận giữa các tác giả tuỳ theo sự đóng góp của họ trong bài báo, địa chỉ cơ quan công tác của các tác giả (không ghi chức danh, học vị), e-mail và số điện thoại liên hệ của tác giả chính.

Phần tóm tắt: cần thể hiện bối cảnh phát hiện trường hợp, giới thiệu sơ lược quá trình phát hiện, chẩn đoán, xử trí và kết quả điều trị của trường hợp bệnh. Tóm tắt được trình bày bằng một đoạn văn và không quá 250 từ.

Từ khoá: thể hiện được vấn đề chính mà nghiên cứu đề cập đến, tối đa 6 từ hoặc cụm từ.

ABSTRACT (Chỉ áp dụng cho bài báo bằng tiếng Việt)

Tên bài báo tiếng Anh viết bằng chữ in hoa, được dịch từ nguyên bản tiếng Việt. Tóm tắt bằng tiếng Anh (không quá 20 từ) được dịch từ tóm tắt bằng tiếng Việt kể cả từ khoá

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ
  • Vấn đề nghiên cứu là gì
  • Trình bày kết quả từ 1-2 tài liệu tham khảo có liên quan (nếu có)
  • Tầm quan trọng của báo cáo ca bệnh này
  • Mục tiêu bài báo
  • Nêu rõ việc ứng dụng chuẩn quốc tế (CARE)
  1. GIỚI THIỆU CA BỆNH

Cần đảm bảo đủ các nội dung và thông tin như sau:.

  • Thông tin chung về bệnh nhân
    • Thông tin nhân khẩu học: Tuổi, giới, dân tộc nghề nghiệp, nơi sinh sống, điều kiện kinh tế…
    • Triệu chứng chính.
    • Tiền sử cá nhân và gia đình (nếu có).
  • Các đặc điểm lâm sàng
  • Diễn biến bệnh theo thời gian
  • Chẩn đoán
    • Phương pháp chẩn đoán
    • Các khó khăn gặp phải trong quá trình chẩn đoán
    • Kết quả chẩn đoán
  • Điều trị
    • Phương pháp điều trị
    • Chỉ định điều trị
    • Thay đổi phương pháp điều trị (nếu có)
  • Kết quả điều trị
    • Lâm sàng (Clinician and patient-assessed outcomes)
    • Cận lâm sàng (Important follow-up test results (positive or negative)
    • Tuân thủ điều trị (Intervention adherence)

Phản ứng không mong muốn (Adverse and unanticipated events)

  1. BÀN LUẬN
  • Điểm yếu và mạnh
  • Tính “hiếm”, “đặc biệt” của trường hợp bệnh này
  • So sánh với y văn
  • Giải thuyết có thể để giải thích cho kết quả
  1. KẾT LUẬN

Cần nêu rõ ràng kết luận chính rút ra từ ca bệnh, giải thích rõ tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng, đóng góp cho y học và tiền đề cho những nghiên cứu/tiến bộ y học trong tương lai.

Lời cảm ơn (nếu có)

Tác giả nêu rõ cơ quan tài trợ nghiên cứu (nếu có) và cam kết không xung đột lợi ích từ kết quả nghiên cứu. Phần này trình bày trước Tài liệu tham khảo và không cần đánh số.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Theo hướng dẫn trình bày bản thảo bài báo công bố kết quả nghiên cứu.

SUMMARY (Chỉ áp dụng cho bài báo bằng tiếng Việt):  Tên bài báo tiếng Anh được dịch từ nguyên bản tiếng Việt. Tóm tắt bằng tiếng Anh (không quá 200 từ) được dịch từ tóm tắt bằng tiếng Việt kể cả từ khoá.

BẢNG, BIỂU ĐỒ, HÌNH:  Theo hướng dẫn trình bày bản thảo bài báo công bố kết quả nghiên cứu.

3. BÀI BÁO TỔNG QUAN

Có độ dài không quá 4.000 từ (khoảng 10 trang chuẩn) kể cả hình ảnh, bảng biểu, tài liệu tham khảo và phần tóm tắt bằng tiếng Việt, tiếng Anh

ĐỊNH DẠNG CỦA BÀI BÁO TỔNG QUAN:

TÊN BÀI BÁO

(Tên bài báo ngắn gọn, tối đa 20 từ nhưng thể hiện được nội dung chính của bài báo, tránh từ viết tắt và được thể hiện bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh)

Tên tác giả, tên cơ quan công tác: viết đủ tên (các) tác giả và email, cơ quan công tác, không ghi chức danh, học vị

Tóm tắt: viết tóm tắt có cấu trúc, bao gồm các phần như 1) Mục tiêu, 2) Phương pháp tìm kiếm và tổng quan tài liệu, 3) Kết quả, 4) Kết luận (Không quá 250 từ)..

Từ khoá: 3-6 từ/cụm từ, sử dụng những từ (cụm từ) ngắn gọn, có ý nghĩa đại diện và liên quan trực tiếp đến nội dung chính của bài báo.

ABSTRACT (Chỉ áp dụng cho bài báo bằng tiếng Việt)

Tên bài báo tiếng Anh viết bằng chữ in hoa, được dịch từ nguyên bản tiếng Việt. Tóm tắt bằng tiếng Anh (không quá 200 từ) được dịch từ tóm tắt bằng tiếng Việt kể cả từ khoá

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Nêu rõ vấn đề tổng quan và lý do dẫn đến việc tổng quan chủ đề nghiên cứu, ý nghĩa của việc tổng quan chủ đề nghiên cứu, quan điểm và cách tiếp cận của tác giả khi tổng quan vấn đề.

  1. PHƯƠNG PHÁP TỔNG QUAN

bao gồm phương pháp tìm kiếm tài liệu, nguồn tài liệu, từ khóa sử dụng, tiêu chuẩn lựa chọn và loại trừ tài liệu, phương pháp tổng quan…    

  1. KẾT QUẢ

 Trình bày kết quả tìm kiếm, tóm tắt thông tin về các bài báo được đưa vào tổng quan và các kết quả tổng quan (theo mục tiêu).

  1. BÀN LUẬN: bàn luận các kết quả đã tổng quan, những kiến thức rút ra từ tổng quan và các điểm thiếu hụt mà kết quả tổng quan chưa đề cập đến…
  2. KẾT LUẬN

Nêu rõ bài tổng quan đã cung cấp được những thông tin gì, có đạt được mục tiêu đề ra của bài tổng quan không và trình bày triển vọng nghiên cứu tiếp theo của chủ đề đó.

Lời cảm ơn (nếu có)

Tác giả trình bày lời cảm ơn đối với cá nhân, tổ chức đã hỗ trợ và giúp đỡ thực hiện bài tổng quan. Phần này không cần đánh số.

Tác giả nêu rõ cơ quan tài trợ nghiên cứu (nếu có) và cam kết không xung đột lợi ích từ kết quả nghiên cứu. Phần này trình bày trước Tài liệu tham khảo và không cần đánh số.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Theo hướng dẫn trình bày bản thảo bài báo công bố kết quả nghiên cứu.

4. CÁC BÀI BÁO KHÁC

  • Có độ dài không quá 4.000 từ (khoảng 10 trang chuẩn) kể cả hình ảnh, bảng biểu, tài liệu tham khảo và phần tóm tắt bằng tiếng Anh.
  • Định dạng bài báo khác:
    • Tiêu đề (tiếng Việt): viết chữ in thường, đậm.
    • Tên tác giả, tên cơ quan công tác: viết đủ tên (các) tác giả và email, không ghi chức danh, học vị.
    • Tóm tắt: viết tóm tắt có cấu trúc, bao gồm các phần như 1) Mục tiêu, 2) Kết quả, 3) Kết luận (Không quá 250 từ).
    • Từ khóa: 3-6 từ/cụm từ, sử dụng những từ (cụm từ) ngắn gọn, có ý nghĩa đại diện và liên quan trực tiếp đến nội dung chính của bài báo.
    • Đặt vấn đề: bao gồm lý do và mục tiêu của bài báo
    • Nội dung chính: linh hoạt theo từng loại bài báo
    • Kết luận: khái quát kết quả bài báo
    • Lời cảm ơn: cảm ơn sự giúp đỡ của cá nhân, tập thể, đề tài, cơ quan và/hoặc tổ chức đã hỗ trợ để thực hiện bài tổng quan này.
    • Tiêu đề, tác giả và địa chỉ, tóm tắt bằng tiếng Anh
    • Tài liệu tham khảo: xem hướng dẫn chi tiết ở trên.

Thông tin liên hệ: 

Văn phòng Tạp chí Thần kinh học Việt Nam

Trung tâm Thần kinh – Bệnh viện Bạch Mai; 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội

Email: Journal@vnna.org.vn       Website: https://vjn.vnna.org.vn/