KHÁI NIỆM VỀ THẦN KINH HỌC

29-02-2024

Thần kinh học (Neurology) là khoa học chuyên nghiên cứu về toàn bộ hoạt động của hệ thần kinh về phương diện cấu trúc, chức năng trong hoàn cảnh bình thường cũng như trong hoàn cảnh rối loạn,bệnh lý… Dựa trên những tiến bộ của khoa học,kỹ thuật, nhất là những tiến bộ về lý sinh, hoá sinh, về điện toán, khoa học nghiên cứu về thần kinh cũng được đảy mạnh lên trình độ cao.

Thần kinh học chuyên nghiên cứu điều trị những bệnh chủ yếu làm rối loạn hoạt động thần kinh mà căn bản là những hoạt động phản xạ không điều kiện làm trở ngại sự thích ứng của cơ thể đối với môi trường bên ngoài.

Hệ Thần kinh

Là hệ thống trẻ tuổi nhất trong các hệ thống cơ quan của sinh vật. Trong quá trình tiến hoá (bậc thang sinh vật), hệ thần kinh là dẫn chứng điển hình của sự phân biệt giữa người và vật, cho sự phát triển sinh vật, phát triển biện chứng.

Hệ Thần kinh

Là cơ quan chủ động của toàn thể, phụ trách hoàn toàn mọi hoạt động của cơ thể với hai hệ: hệ tiếp ngoại chi phối hoạt động cơ thể với môi trường bên ngoài, và hệ thực vật phụ trách hoạt động của môi trường bên trong. Não và Tủy sống làm thành hệ thần kinh trung ương: từ não và tủy sống có các dây thần kinh – dây thần kinh sọ (chi phối khoanh đầu -mặt), dây thần kinh gai (tủy) (chi phối khoanh cơ thể và các chi) – toàn bộ hình thành hệ thần kinh ngoại vi (ở lâm sàng, cần phân biệt tổn thương trung ương và tổn thương ngoại vi).

Cơ thể con người tiếp thu các phản ứng kích thích ở bên ngoài và ở bên trong, chọn lọc, loại trừ và tùy từng trường hợp có những phản ứng khác nhau. Thông qua các tổ chức khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp, thậm chí rất phức tạp của toàn bộ hệ thần kinh để thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp thu và giải đáp…

Như vậy, thứ nhất hệ thần kinh giữ mối liên hệ các cơ quan, cơ thể với môi trường bên ngoài, qua đó biểu hiện những hình thái tinh vi và phức tạp của cơ thể với thế giới bên ngoài, thứ hai là, điều chỉnh hoạt động của cơ thể và thứ ba là tạo mối thống nhất giữa hiện tượng bên ngoài và hoạt động bên trong của cơ thể.

Nghiên cứu các chứng-bệnh thần kinh

Là nghiên cứu những biểu hiện rối loạn chức năng tiếp thu và chức năng giải đáp của hệ thần kinh ở các hình thái kích thích hay hủy hoại gián đoạn. Từ đó nghiên cứu đánh giá phân tích các biểu hiện bệnh lý thần kinh: những biểu hiện này rất phong phú đa dạng, từ những căn bệnh chung như bệnh tim mạch nhiễm độc, u độc, xâm phạm gây tổn thương hệ thần kinh hoặc từ những căn bệnh riêng của hệ thần kinh (virut hướng thần kinh, u hệ thần kinh, bệnh bẩm sinh, thoái hoá…..)

Trong nhiều trường hợp, “biến cố bệnh lý” đó biểu hiện dưới hình thức dị cảm (thường là đau đớn) và gây nên những hoạt động đối phó như căng cơ, rãn mạch…. Đó là những phản ứng thần kinh, phát sinh ra những triệu chứng báo hiệu đầu tiên. Ví dụ, đau

vùng hố chậu phải “báo hiệu” có thể là viêm ruột thừa. Trong viêm ruột thừa có phản ứng cơ thành bụng …

Nghiên cứu hoặc kỹ thuật phát hiện những biểu hiện rối loạn đó là nhũng vấn đề của triệu chứng thần kinh. Nghiên cứu các mặt triệu chứng riêng rẽ (triệu chứng phân tích) sau đó tổng hợp lại thành hội chứng (triệu chứng tổng hợp). Đặc biệt ở thần kinh, vấn đề khu trú tổn thương rất quan trọng (chẩn đoán định khu), từ đó có thể thấy được nguyên nhân để tiến hành chữa bệnh.

Do đặc điểm thần kinh có liên hệ chặt chẽ với những phần tử hốc xương ở vùng sọ – mặt,… thực chất là những “đầu ngọn” của thần kinh ngoại vi. Những rối loạn bệnh lý ở vùng đó, hoặc ngược lại những tổn thương ở trục thần kinh đều có thể có những biểu hiện bệnh lý ở sọ – mặt, và thường là “lý do” người bệnh đến khám ở chuyên khoa mắt, tai mũi họng hay răng hàm mặt… đặc biệt đau nhức tới khám ở khoa Nội….

Ngoài những “thông tin” về máu, sinh hoá, nước tiểu, dịch não tủy, thần kinh học còn dựa trên những kết quả thăm dò chức năng như X quang thần kinh, điện não đồ, chụp cắt lớp vi tình, chụp cộng hưởng từ, các loại siêu âm, chụp mạch não. Ngoài ra, trong quá trình phát triển ở tương lai, chúng ta sẽ có chụp cắt lớp điện tử dương (PET), chụp cắt lớp vi tính với photon (SPECT), sử dụng các chất đánh dấu di truyền.

Những biểu hiện bệnh lý thần kinh

Bệnh thần kinh là đối tượng của thần kinh học với những dạng bệnh khá phong phú của các bệnh ở não, ở tủy sống, từ những căn bệnh chung (tim mạch, nhiễm độc, u độc…) xâm phạm gây tổn thương hệ thần kinh hoặc từ những căn bệnh riêng của hệ thần kinh (virut hướng thần kinh, u hệ thần kinh, bệnh bẩm sinh, thoái hoá. Ngoài ra cũng phải nêu bệnh của thế kỷ ngày càng “xâm phạm” vào hệ thần kinh – bệnh của môi trường “hiện đại”, bệnh HIV, AIDS…

Điều trị ở thần kinh Cũng như các chuyên khoa khác, điều trị bệnh thần kinh bao gồm điều trị nguyên nhân và điều trị triệu chứng, điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa hoặc kết hợp cả hai, và nhất là điều trị phục hồi chức năng thần kinh.

Ngoài ra, điều trị phải toàn diện bao gồm điều trị thuốc men, ăn uống, nghỉ ngơi và điều trị tâm lý.

Phòng bệnh ở thần kinh.

– Phòng bệnh ở thần kinh bao gồm ngăn ngừa những tác nhân gây bệnh kết hợp với các chế độ chính sách của xã hội, với sự chú ý giúp đỡ của các ngành kinh tế. Trước hết, tập trung vào bảo vệ bà mẹ và trẻ em, phòng chống bệnh nhiễm khuẩn và bảo vệ lao động

– Phòng bệnh ở thần kinh còn ở chỗ biết phát hiện sớm, chính xác những triệu chứng thần kinh…Điều này không những đòi hỏi về chất lượng cán bộ chuyên khoa thần kinh ở các tuyến mà cán bộ đa khoa cũng cần được trang bị kiến thức “thần kinh trong thực hành đa khoa“. Phòng bệnh ở thần kinh còn ở chỗ tổ chức điều trị, theo rõi, phát hiện tại cộng đồng và thuốc men được kịp thời đày đủ.

– Phòng bệnh ở thần kinh còn ở chỗ phổ biến, nâng cao những kến thức thông thường về các bệnh thần kinh cho các tầng lớp nhân dân.

“ Thập kỷ của Não” ( Decade ò the Brain) đã qua. Thế kỷ 21 là thế kỷ của “tư duy“. với BRAIN Initiative của Obama……

Ở ta, do hoàn cảnh đặc biệt – còn phải giải quyết những vấn đề chung của Y tế cộng đồng, chuyên ngành Thần kinh có những bước đi ban đầu đày khó khăn, mặt khác lại cần và phải tiếp cận với Thần kinh học hiện đại.

Dựa trên đường lối, phương châm y học của ta, chuyên ngành Thần kinh cần phải :

– Về lâm sàng – cần phải có thời gian dài nghiên cứu đặc điểm về các bệnh thần kinh chủ yếu ở Việt nam, bệnh thần kinh nhiệt đới: các bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, bệnh lý mạch máu não, bệnh động kinh. Đặc biệt, cần tập trung chú ý các chứng đau nhức ở thần kinh, các cơn co giật ở trẻ em và ở người cao tuổi, các chứng sa sút trí tuệ, nghiên cứu Viêm não Nhật bản ở Việt nam, Tai biến mạch máu não ở tuổi già và ở tuổi trẻ, các bệnh thoái hoá (bệnh xơ xứng rải rác…), bệnh tự miễn ở thần kinh.

– Về điều trị và dự phòng, cần tập trung giải quyết nhiễm khuẩn thần kinh (nhất là Viêm màng não do lao, viêm não B), tổ chức phát hiện và xử trí kịp thời bệnh động kinh, tai biến mạch máu não cũng như tiếp tục giải quyết di chứng thần kinh sau sang chấn sọ trước kia (trong chiến tranh) và hiện nay trong tai nạn giao thông. Đồng thời, phải chú ý nhiều tới các bệnh nghề nghiệp ở thần kinh.

– Về chẩn đoán, cần sử dụng một cách rộng rãi các phương tiện thăm dò chức năng, trước hết là những “kỹ thuật mũi nhọn “. Tiến hành nghiên cứu điện não đồ trong lâm sàng cũng như trong thần kinh sinh lý lâm sàng, sử dụng chụp cắt lớp vi tính rộng rãi hơn trong chẩn đoán bệnh não, nhất là tai biến mạch máu não, chèn ép não… Nghiên cứu phát triển chụp cộng hưởng từ và các siêu âm não.

Nghiên cứu sử dụng thần kinh tâm lý lâm sàng trong chẩn đoán một số bệnh thần kinh.

Cố gắng trong tình hình hiện nay kết hợp lâm sàng và giải phẫu bệnh lý thần kinh để nghiên cứu góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh thần kinh.